Lượt xem: 2511
Vài điều về cây Dương trăm tuổi ở An Cơ Tự
      Vào cuối thế kỉ thứ XVII đầu thế kỉ thứ XVIII, tình hình đất nước rối ren do sự chia cắt hai miền giữa của thế lực chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong, lấy sông Gianh làm ranh giới. Ở Đàng Trong, phong trào khởi nghĩa của nông dân nổi dậy dưới sự lãnh đạo của ba anh em nhà Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Nguyễn Ánh tức Nguyễn Phúc Ánh (8/2/1762 – 3/2/1820) sau khi thất thủ (năm 1777) bị quân Tây Sơn truy sát đã thoát thân cùng đám tùy tùng bôn tẩu trôi dạt về phương Nam ẩn dật chờ thời cơ phục thù. Trong thời loạn như vậy, nhân dân Đằng Trong phải chịu cơ cực nên dắt nhau đi khai khẩn đất hoang trồng trọt để mưu sinh. Trong đó có cụ ông Huỳnh Hữu Nghĩa không rõ năm sinh và mất chỉ biết giỗ ông là ngày 20/8 âm lịch hàng năm.


      Cụ Huỳnh Hữu Nghĩa lúc bấy giờ với danh nghĩa là cai tổng cùng với sự ủng hộ của đông đảo nhân dân đã vượt nhánh sông Hậu từ hướng Nam sang hướng Đông về xứ vùng đất bãi bồi khai khẩn đất hoang lập nghiệp. Do còn rất hoang sơ rừng rậm nên nơi đây là nơi tập hợp nhiều loại chim trời cá nước thú dữ sinh sống. Đó là Cù Lao Dung ngày nay, khi ấy chưa có tên đất tên làng gì hết. Ông cùng nhân dân đào kênh dẫn nước do nhu cầu thủy lợi cho việc trồng trọt. Con kênh được đào xuyên qua hai nhánh của sông Hậu, thông nhau từ rạch Long Ẩn từ sông Đại Ngãi thuộc huyện Long Phú và rạch Vượt của sông Cầu Quan giáp với tỉnh Trà Vinh bây giờ. Sở dĩ con rạch có tên là Long Ẩn là vì lúc vua Gia Long Nguyễn Ánh chạy nạn ẩn thân nơi này, có đi ngang qua và ghé tá túc nhà chùa và được sư sãi cưu mang nhiều lần. Ông Huỳnh Thế Soi cháu năm đời còn kể, nhiều người đã chứng kiến cảnh người dân đi phát cỏ dỡ cơm theo để trong bờ mẫu nghỉ trưa ăn bị đàn khỉ lén bốc ăn hết. Giận quá, người ta dầm ớt vô chén nước mắm để nhử, bầy khỉ tưởng ăn được thò tay múc uống làm ớt văng vô mắt cay không chịu nỗi, rượt đánh nhau la chí chóe. Còn ông Huỳnh Long Phi là ông ngoại của ông bị heo rừng dủng chân trước đánh  rách vai, đau quá nhưng không chạy kịp, ông nhanh trí nằm xuống đất nín thở giả chết, con thú dữ ngửi ngửi không đánh hơi được bỏ đi. Nhờ vậy mới thoát chết. Sau đó  cả làng xúm tìm con heo này để bắt nhưng không được. Mũi giáo đâm vào mình  nó không hề hớn gì do da nó quá dày. Bầy chó săn tinh nhuệ được huy động trợ chiến vậy mà con nào nhào vô cũng bị móc ruột lòi phèo. Thật khủng khiếp! Sau đó, những lão nông kinh nghiệm chuyện đường rừng mới bày kế cho đám thanh niên khéo léo tránh né đòn và chính xác, bất ngờ đâm thẳng mũi giáo vào hậu môn con heo rừng. Chỉ có vậy mới hạ được nó. Tuy có công khai hoang mở đất nhưng tập đoàn người do họ Huỳnh dẫn dắt không có quyền sở hữu canh tác mà muốn sử dụng phải đăng kí thân thế với chính quyền Tây bởi bị lệ thuộc vào toàn quyền của chế độ này. Tên chỉ huy Ba-rết đại diện cho chính quyền Tây làm việc. Hắn đưa cháu ruột tên Dương Siện là một tên tuổi có địa vị từ làng Đại Ngãi qua xứ cồn làm Hương quản. Họ hàng thay nhau quản lí công việc khoảng ba bốn đời nhà nó. Chúng tịch thu hàng trăm hec-ta đất nơi đây để sử dụng canh tác nội bộ, chừa lại cho nhà chùa được ba chục công vì chúng giải thích rằng họ Huỳnh có công khai phá nên mới được ân huệ này. Hiện tại còn lại được mười lăm công. Rồi lại có một con cọp bị cụt đuôi chuyên đi bắt súc vật nuôi của con người ăn thịt, nó hung hãn thản nhiên bắt ăn cả ban ngày. Khó khăn lắm cả làng mới tìm cách đuổi được nó. Sau này do ngày càng rừng rú bị phá trống trải thu hẹp nơi trú ngụ nên nó đi đâu hồi nào cũng không ai biết. Lúc này chùa chưa có tên, Nguyễn Ánh ăn nhờ cơm chùa nên đặt tên là chùa Ăn Cơm, phương ngữ đọc trại ra là An Cơ. Nhưng theo ông Huỳnh Song Đông cháu đời thứ tư của họ Huỳnh thì An Cơ Tự là do các bậc tiền nhân tổ chức họp mặt với đông đảo bá tánh trong vùng bàn bạc và thống nhất ý kiến đặt tên cho chùa với mơ ước thiên hạ có nơi an cư lạc nghiệp. Và cũng có thể tên Cù Lao Dung ngày nay là vì do cụ Huỳnh Hữu Nghĩa có công khai hoang lập ấp, phát triển dân số, mở rộng kinh tế, xây dựng đời sống mới cho nhân dân nên mới lấy họ ông đặt tên cho vùng đất này là Huỳnh Dung Châu mà đã một thời mang tên. Có thực tế hay không thì điều này cần được xác minh kĩ lưỡng bởi sự kiện trải qua hàng mấy trăm năm chưa tìm thấy sách sử đích thực ghi lại, nghi vấn này chỉ mang tính chất tham khảo.

      Con rạch trước cửa chùa là nơi giáp hai dòng nước chảy về từ hai con sông Cầu Quan và Đại Ngãi, ngay trước nhà của ông Trần Văn Hem (Út Hem) nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Cù Lao Dung bây giờ. Thật lạ lùng khi đoàn quân chạy nạn đến nơi này nhằm vào khoảng thời gian mùa nước bị xâm nhập mặn nhưng chỗ này vua cho thử nước thì cảm thấy ngọt uống được. Cũng được nghe kể rằng, có con rạch cách chùa An Cơ khoảng 3 km về hướng Tây Nam là nơi đoàn quân thất trận qua ẩn thân. Vua cho mở lò đúc tiền theo niên đại, đào giếng tìm nước ngọt để nuôi quân chờ ngày rửa hận. Vậy mới có địa danh là rạch Trường Tiền còn hiển hiện đến bây giờ. Về sau nhiều người còn sưu tầm được nhiều đồng tiền của thời Nguyễn Ánh. Còn rạch Vượt thì theo lời kể của các vị cao niên, nhất là cụ Mười Nỉ đã “hồn về âm cảnh vui mãn nguyện, xác ở dương gian rảnh sự đời” (con trai thứ tám của cụ hiện nay là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long) thì lúc mới tiếp thu - sau giải phóng - đất nước còn nghèo, đời sống kinh tế nhân dân khó khăn, nạn đói kéo dài. Nếu có tiền mà đi mua lương thực cũng gặp trở ngại, bị cơ quan chức năng kiểm soát khắc khe ở thời bao cấp vì nhiều người thường kiếm đường vượt biên qua các nước khác để sinh sống, do vậy mà nạn cướp giật xảy ra ra vô số. Bên cạnh đó, tình hình quân Khơ-me đỏ đang nhí nhố, làm loạn ở phía biên giới Tây Nam nên nhà nước càng kĩ lưỡng hơn trong công tác quản lí tổng thể. Chúng phá phách, giật dọc của cải nhân dân từ củ khoai, cây mía, con gà, cái thúng… làm cho đời sống trị an rối ren trên con rạch này. Chính từ chữ “giật – giựt” (khẩu ngữ Nam Bộ) rồi nói trại ra thành Vượt – Dược. Cho nên bây giờ khi ghi thiệp mời đám có một số người không phân biệt chính tả nên thỉnh thoảng cũng có ghi là Gạch Dược – thay vì rạch Vượt. Tuy nhiên, cũng có giả thuyết cho rằng hồi trước ở ngoài vàm sông thường xuất hiện bầy cá Vược rất đông. Trong đó có một con được xem là đầu đàn rất lớn nặng khoảng trăm kí chết trôi dạt vào bờ, nhân dân cho là điềm gở nên vớt xác chôn cất, hương khói lễ vật khấn vái trời đất cúng kiến tử tế, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.   

      Chùa chỉ được cất bằng cây lá để nhân dân tịnh tâm tu hành tụng niệm lạc nghiệp, thời gian này trụ trì Huỳnh Hữu Nghĩa trồng hai hàng cây dương ven lối đi bên phải trước cổng chùa. Nghe nói loại cây này người xưa trồng để lấy vỏ làm thuộc da hay nấu nước nhuộm lưới chài rất chắc giống như cây sắn có trái nhỏ bằng ngón tay, màu tím, ăn được thường mọc nhiều ở các vườn tạp xưa. Sau do bom đạn chiến tranh nên chỉ còn hai cây có sức sống mãnh liệt hùng dũng đứng uy nghiêm như thay cho sức mạnh dân tộc chống chọi với mọi khó khăn khi đất nước đang cơn biến loạn. Khi cụ Huỳnh Hữu Nghĩa vắng thế để lại cho con là Huỳnh Văn Thân (mất 8/12 âm lịch, thọ 63 tuổi, năm sinh và mất chưa rõ) tiếp tục tu hành nơi Phật tự. Khi ông Thân hết thọ truyền nơi tu tịnh lại cho đích tôn là ông Huỳnh Long Phi (1891 – 15/3/1982) kế thừa. Lúc này ngôi chùa bằng cây lá đã hư hỏng nhiều nên ông mới cùng với họ tộc xây dựng lại với quy mô chắn chắn hơn cùng với hai cây dương xanh rì vi vu trong gió vươn mình sừng sững giữa đất trời. Năm 1936 cũng là năm ngôi chùa chính thức mang tên An Cơ Tự, là nơi cho thiện nam tín nữ đến cầu phúc bình an, sắm hối lỗi lầm mong hoàn thiện cho bản thân với các đấng tiền nhân. Cũng là nơi nhiều lần nhân dân che giấu cán bộ cách mạng náu thân tránh tai mắt kẻ thù.

      Không trái được vòng luân hồi nên ông Huỳnh Long Phi quá vãng, con cháu là các ông bà Huỳnh Thị Xem (1917 – 2012), Huỳnh Văn Giỏi (1921 – 27/1/1998) và Huỳnh Thị Kìm (1923 – 1992) cùng chung vòng tay nhân đức sớm hôm công phu tụng niệm cầu cho quốc thái dân an. Nhờ hồng phúc trên ban nên họ hàng làm ăn phát đạt, gia đình tử tế, cha mẹ mẫu mực con cháu thảo hiền. Năm 2002 ngôi chùa lại xuống cấp, nhiều chỗ bị mục nát do vết nứt thời gian, dòng tộc họ Huỳnh góp công góp của trùng tu lại lần thứ ba. Lần này có điều kiện nên sửa sang chắc chắn hơn và thống nhất giao trách nhiệm phần giữ gìn quét dọn, chăm sóc cây cối hương khói sớm hôm lại cho ông Huỳnh Song Đông cháu đời thứ tư cùng con cháu gìn giữ cúng dường vào những ngày rằm ngày giỗ. Nhưng ông Năm Đông cũng vừa mất khi trải qua căn bệnh kéo dài. Hiện tại, ông Huỳnh Thế Gọi là cháu đời thứ  năm  được nhận trách nhiệm giữ gìn gia phả cúng kiến ông bà vào các ngày giỗ chạp.

      Được mệnh danh là cây bách niên nhưng thế giới vật chất không thể tồn tại mãi theo quy luật tự nhiên. Vào khoảng năm 1986 tức là hai cây dương thọ được 186 tuổi với vòng đo hơn ba người ôm mới giáp tay lần hồi héo cành, rụng lá tìm đường về với chủ nhân đã có công chăm sóc. Các cụ cho rằng nếu như ngọn cây nếu lên cao nhìn thấy mặt nước biển là chết. Điều này không biết là do ngang tầm thì nó bị hơi nước biển mặn gây ảnh hưởng sức sống hay là một quy luật phạm trù nào thì chưa rõ. Chính cây dương này đã chứng kiến giây phút để đời. Đó là được chủ trương của Huyện ủy, đêm ngày 05 tháng 01 năm 1960, Đảng ủy tổ chức treo cờ trong toàn xã nhằm chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng. Sáng ngày 06/01/1960, một cây đại kỳ ngang 4 mét, dài 6 mét phất phới tung bay trên ngọn cây dương cổ thụ do cụ Hai Dẹo quê ở Xóm Rẫy, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng hiện nay đã leo lên ngọn cây chót vót treo lá cờ này. Do kỉ niệm lá cờ đỏ chói lọi niềm tin nên còn có tên gọi khác là cây dương đỏ. Tác giả đã cố gắng hết sức nhiều lần cùng ông Huỳnh Văn Hưng (tức sáu Hưng) cháu đời thứ tư của cụ Huỳnh Hữu Nghĩa tìm đến nhà cụ Hai Dẹo nhưng cụ bà cũng đã mất. Các con do điều kiện công việc nên phải ở xa lâu lâu tranh thủ thời gian về thăm viếng cúng kiến. Nhà cửa gởi lại cho người cháu sớm hôm nhang khói nhưng liên lạc nhiều lần chúng tôi vỡ mộng.  Cũng cần nói thêm, ông Sáu Hưng (ảnh) nay đã 83 tuổi, trình độ học vấn tới Tú tài, từng là thầy giáo dạy  học ở trường trung cấp nhứt  Đại Ngãi (nay là thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú) cách vàm sông qua huyện Cù Lao Dung. Ông còn thích làm thơ, khi tôi phỏng vấn để tìm thông tin phục vụ cho bài viết này thì ông còn gởi tặng tôi mấy bài. Và nếu có điều kiện thì giới thiệu với anh em trang văn nghệ các báo, tạp chí. Cụ  Hai Dẹo bị tên cảnh sát ác ôn Nguyễn Văn Ki bắn chết tại vàm Long Ẩn ngõ ra sông Đại Ngãi (Vàm Tấn). Sau đó, lũ chiêu hàng địch khát máu có tội với nhân dân bắt ông Bảy là thanh niên trong làng gỡ đem xuống. Chúng hí hửng la lối rằng thanh niên ở đây không chịu theo “chính nghĩa quốc gia” nên sống kham khổ yếu đuối không leo nỗi cái cây. Chúng còn dọa nếu ông Bảy không leo lên gỡ xuống thì sẽ bị bắn ngay. Để chứng tỏ bản lĩnh sức mạnh của mình, ông Bảy leo lên mang xuống và ôm hôn lá cờ rơi nước mắt cho tổ quốc mến thương trong thời buổi lâm nguy. Và từ đó hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng đã đưa ông lên tầm giác ngộ theo cách mạng chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước. Tên Bảy Dương cũng được khai sinh từ đó. Ông Bảy Dương cũng đã qua đời do tuổi cao sức yếu. Theo mưa nắng dãi dầu, thân hai cây dương bị mục thân hư gốc. Hiện chỉ còn lại gốc cây trước cổng chùa, gốc còn lại cách đó khoảng 30 mét đã bị đất cát vùi lấp do nhiều lần trùng tu ngôi chùa cũ. Bà Huỳnh Thị Bính cháu ngoại cụ Thân còn cho biết: Khi cây dương chết có rất nhiều người tới hỏi mua cắt lỏi cây về làm đồ dùng sinh hoạt như cối xây lúa, chày giã, ván ghe…nhưng khi mua về làm ra sản phẩm đều bị bệnh hoặc tai nạn chết hết. Tuy chưa biết thực hư huyền bí như thế nào nhưng đa số nhiều người cao tuổi ở xứ sở này khẳng định là như vậy. Tính đến nay hai cây dương ấy đã ngót nghét 218 tuổi. Khi tôi đang viết bài này thì cũng là lúc các em Đoàn thanh niên của xã xin ý kiến các cấp ngành dùng bê tông xây dựng công trình thanh niên, giữ lại gốc cây dương đã lần hồi mục theo thời gian, đồng thời dựng bảng ghi lại ý nghĩa khoảnh khắc đáng nhớ của lá cờ đỏ sao vàng trên ngọn cây dương ngày ấy và xem đây là nơi địa chỉ đỏ để giáo dục tinh thần lí tưởng cách mạng cộng sản cho thế hệ trẻ. Để nhớ lại hình ảnh cụ Hai Dẹo với lá cờ tổ quốc Việt Nam thiêng liêng trên cây dương cao chót vót. Để được nghe các ông Sáu Hưng, ông Hai Soi, bà Chín Bính kể lại tinh thần bất khuất, kiên trung với những chiến công oanh liệt của quân và dân ta đã quyết tử cho tổ quốc quyết sinh trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm tại cái rạch Long Ẩn này gắn liền với cây dương đỏ nằm trước cổng chùa An Cơ.
Hoàng Tử Vân
THÔNG BÁO









VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH








  • Đang online: 57
  • Hôm nay: 778
  • Trong tuần: 6 463
  • Trong tháng: 3 234
  • Tất cả: 2345437
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    Cơ quan chủ quản: UBND HUYỆN CÙ LAO DUNG - TỈNH SÓC TRĂNG

    Địa Chỉ: Ấp Phước Hòa B, Thị trấn Cù Lao Dung, Huyện Cù Lao Dung, Tỉnh Sóc Trăng
    Số điện thoại: 02993.860.314 Văn phòng HĐND & UBND  - Email: vphdndubnd.huyencld@soctrang.gov.vn
    Ghi Rõ Nguồn " UBND Huyện Cù Lao Dung " Khi Phát Hành Lại Thông Tin Từ Website Này.